Please wait...
10 NGUYÊN TẮC VÀNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Ý nghĩa của đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Khi xã hội loài người càng phát triển thì nhu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của con người càng tăng cao ở cả mức độ quốc tế, quốc gia và vùng. Mỗi ngày có hàng ngàn người trên thế giới bị chết từ những bệnh do thực phẩm sinh ra mà có thể phòng tránh được. Bệnh do thực phẩm gây ra đang là vấn nạn ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Điều này làm quá tải hệ thống chăm sóc y tế. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ nhỏ, người già và người bệnh. Bệnh do thực phẩm gây ra còn ảnh hưởng đến nền kinh tế và phát triển của quốc gia và thương mại quốc tế.
Thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn ở bất kỳ thời điểm nào trước khi ăn. Do vậy, việc tuân thủ các bước an toàn vệ sinh thực phẩm có thể phòng tránh phần lớn các bệnh do thực phẩm gây nên.
Dưới đây là 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm:
- Chọn thực phẩm an toàn: Lựa chọn thực phẩm tươi, có nguồn gốc rõ ràng. Rửa kỹ rau, quả và thịt trước khi chế biến. Gọt vỏ quả trước khi ăn. Thận trọng với thực phẩm đông lạnh để tránh làm đông đá lại, gây kém an toàn.
- Nấu chín kỹ thức ăn: Đảm bảo thức ăn nấu chín kỹ để tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh. Nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
- Ăn ngay sau khi nấu: Thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.
- Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín: Giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
- Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và nhất thiết phải được đun kỹ lại.
- Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn: Thức ăn đã nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).
- Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác: Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.
- Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
- Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn… Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
- Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Đun sôi nước trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng.